Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam

Bản sonata Mùa xuân

“Ở tư cách con người còn vĩ đại hơn so với ở tư cách nghệ sĩ” có lẽ là câu nói bao quát nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Beethoven. 


Bản sonata Mùa xuân


Tuổi thơ khắc nghiệt thiếu thốn sự êm ấm của gia đình, căn bệnh điếc xuất hiện vào giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời chẳng thể ngăn ông sống và cống hiến hết mình. Nói về sự nghiệp và các tác phẩm ông để lại cho đời sau thì có lẽ đã quá dư thừa những mỹ từ. 

Và một kẻ ngoại đạo với vốn hiểu biết nông cạn như nó tốt nhất là không nên nói nhiều. Khía cạnh mà nó muốn nhắc đến nhiều hơn khi nói về Beethoven chính là cái “đời” trong con người vĩ đại ấy. Một điều chắc chắn rằng là Beethoven đã yêu, đã khát khao giống như mọi chàng trai nào khác. Thiên tài thì cũng chỉ là con người mà thôi. 


Ông cũng đã từng “mắc kẹt” trong những mối quan hệ không có tương lai. Beethoven luôn mong muốn dựng xây một mối quan hệ yêu đương lâu bền để có thể vỗ về, làm dịu đi những đau khổ vốn đã ăn sâu vào cuộc đời ông. Tuy nhiên ông cũng lại rất sợ việc mải mê yêu đương có thể thay đổi cuộc sống và tước mất thời gian và năng lượng ông muốn dành cho công việc. 


Và như một hệ quả tất yếu của sự mâu thuẫn này là Beethoven vẫn cô đơn đến cuối đời và “một bàn tay xa lạ đã vuốt mắt cho ông”. Một cái kết trong sự cô đơn là điều ông đã dự đoán được và có lẽ ông hoàn toàn thoải mái khi chấp nhận đánh đổi hạnh phúc bản thân để “chứng minh rằng bất cứ ai hành động đúng đắn và cao thượng đều có thể tự mình đương đầu với bất hạnh” bằng những tác phẩm để đời.


Từ trước tới giờ nó cứ đinh ninh rằng mỗi bản sonata đều do Beethoven đặt tên. Những cái tên khá mỹ miều và quen thuộc với hết thảy những ai đã từng nghe đến danh tiếng của ông như “Ánh trăng”; “Đồng quê”…Nhưng sự thật thì có nhiều sonata mang tiêu đề do người khác đặt ,chỉ có hai sonata được Beethoven chính thức đặt tên (Piano Sonata No. 8 “Pathétique” và Piano Sonata No. 26 “Les Adieux”). Tên gọi “Mùa xuân” của Violin Sonata No. 5 cũng ra đời tương tự thế.



Và vì đã được khuyên là “khi thưởng thức Sonata ‘Mùa xuân’ nói riêng và các sonata của Beethoven nói chung, thính giả không nhất thiết phải (và rất không nên) đóng khung trí tưởng tượng và cảm xúc của mình vào biệt danh của nó” cho nên hôm nay nó sẽ thưởng thức bản sonata này theo cách nghĩ mới.

Một kẻ ngoại đạo đang bước những bước đầu tiên trên con đường cảm thụ âm nhạc cổ điển nên dễ hiểu là nó sẽ chẳng thể nào phân biệt rạch ròi giữa các chương trong Violin Sonata No. 5 được nếu như không có những quãng nghỉ. Tất cả với nó chỉ đơn giản ở đây là sự kết hợp điêu luyện giữa piano và violon. Hai nhạc cụ đó quấn quýt chặt chẽ với nhau tạo nên những âm thanh du dương, réo rắt, lúc trầm lúc bổng. 

Ở đoạn đầu của bản sonata, nó tưởng tượng mình như đang ở giữa câu chuyện tình yêu của đôi trai gái trên một thảo nguyên xanh ngút ngàn với ánh mặt trời rạng rỡ. Họ say mê quấn quýt, chạy đuổi theo nhau. Rồi dưới bóng râm của một gốc cây cổ thụ họ nằm cạnh nhau và tận hưởng tất cả những thanh âm của cuộc sống: tiếng vo ve của những chú ong đi lấy mật, những cái đập cánh nhẹ nhàng của những chú bướm đang chập chờn trên những bông hoa…



Đoạn tiếp theo của bản sonata cũng là thảo nguyên xanh ấy nhưng đã vắng bóng một người và một người đang chờ đợi người kia với những kỉ niệm. Một cuốn phim chiếu chậm về khoảng thời gian cả hai đã trải qua cùng nhau. Nỗi nhớ đong đầy, quay quắt trộn lẫn với những hi vọng một ngày đoàn viên không còn xa. Nằm sóng xoài trên bãi cỏ thảnh thơi ngắm những vì sao lung linh trên bầu trời, đâu đó là tiếng dế sột soạt trong bụi cỏ đằng xa. 



Những mong đợi vỡ òa ở đoạn cao trào ngắn tiếp theo khi hai người yêu nhau được gặp lại nhau. Cảm xúc tăng theo từng nốt nhạc và hòa vào không gian.



Kết thúc bản sonata là những thanh âm một ngày mới. Thanh âm của những hi vọng mang đến cho người ta một cảm xúc dễ chịu và cảm thấy yêu đời hơn. Một cái kết đẹp khi họ lại nắm tay nhau và chạy trên khắp thảo nguyên xanh bát ngát.


Đọc nhiều hơn, nghe nhiều hơn và cảm nhận nhiều hơn…


Nguyễn Tuấn Anh

Video

chấn thương cột sống
tổn thương tủy sống
câu lạc bộ chấn thương cột sống việt nam
anh chan thuong cot song
tuy song
COT SONG