Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam

“Điểm tựa” cho người chấn thương cột sống - Báo bảo hiểm Xã Hội

Người bị chấn thương cột sống rất khác với các dạng chấn thương khác. Nếu bị gãy cột sống, ảnh hưởng tủy sống thì người bệnh sẽ mất cảm giác, không thể đi lại hay tự lo vệ sinh cá nhân. Di chứng của chấn thương cột sống để lại rất nặng nề nhưng nhờ có thẻ BHYT, nhiều người bệnh đã khỏe hơn và hòa nhập với xã hội.

Có một nơi như thế…

Chúng tôi tìm đến số 7, ngõ 6 đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông, Hà Nội)- địa chỉ của CLB Chấn thương cột sống Việt Nam, nơi có khoảng 1.000 hội viên từ khắp các tỉnh, thành “tụ hội” để sinh sống và làm việc. Gần như toàn bộ các thành viên trong CLB đều thuộc đối tượng khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, đa số phải gắn bó với chiếc xe lăn suốt cuộc đời. Có người liệt 2 chi dưới, có người liệt cả tứ chi, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của cột sống (gãy đốt cao hay thấp). Rất ít trong số đó có việc làm mà chủ yếu sống dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi và phụ thuộc vào gia đình.

CLB Chấn thương cột sống tổ chức kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam

Hiện nay, người bị chấn thương cột sống cũng giống như các đối tượng khuyết tật nặng, đặc biệt nặng khác đã được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP, được cấp miễn phí thẻ BHYT, giấy chứng nhận khuyết tật, vé xe bus và được giảm chi phí đi tàu xe một số chặng đường dài, được giảm hoặc miễn phí vé thăm quan, du lịch tại những địa điểm du lịch trên cả nước…

Người bị chấn thương cột sống có cuộc sống đặc biệt khó khăn và chịu rất nhiều di chứng nặng nề như vệ sinh không tự chủ, ổ loét, viêm nhiễm đường tiết niệu, bàng quang, sỏi thận, thậm chí suy thận. Nếu ngồi lâu hoặc nằm một vị trí quá 3 giờ không thay đổi tư thế có thể bị loét, những vết loét có khi chữa vài tháng, thậm chí vài năm mới khỏi. Đã có những trường hợp không có người chăm sóc, không có điều kiện chữa trị nên đã phải cắt bỏ chân vì loét, có người bị nhiễm trùng máu dẫn tới tử vong. Chính vì vậy, người bị chấn thương cột sống thường xuyên phải vào viện thăm khám, chữa trị với thời gian kéo dài ít nhất 2-3 tháng.

Nhờ được cấp thẻ BHYT miễn phí, người bị chấn thương cột sống đã giảm bớt được rất nhiều chi phí chữa trị. Như trường hợp anh Phạm Văn Thi (25 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang) bị tai nạn từ lúc 9 tuổi, vết loét bên hông chữa trị cả năm ở nhà không khỏi, tưởng phải cưa bỏ chân. May thay, gia đình đã kịp thời đưa anh xuống Viện Bỏng quốc gia điều trị nên nay đã khỏi.

Hay anh Hoàng Khải (40 tuổi, quê Nam Định) hiện sinh sống một mình ở Hà Nội. Vì mưu sinh, anh phải ngồi thường xuyên để làm việc nên bị loét rất nặng và đã phải vào Viện Bỏng quốc gia, rồi BV Quân y 108 để chữa trị. Nhờ sự tận tình của các y bác sĩ, vết loét của anh đã ổn định và được ra viện. Có BHYT nên chi phí chữa trị của anh Khải đã bớt đi rất nhiều.

Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các thành viên trong CLB Chấn thương cột sống Việt Nam đều được hưởng các chế độ dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa được hưởng chế độ như: Anh Lê Văn Hiếu (29 tuổi, ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên) bị tai nạn chấn thương cột sống cách đây hơn 4 năm, liệt 2 chi dưới, sức khỏe giảm sút, mất sức lao động hơn 80%, có vợ và con nhỏ. Anh Hiếu nhiều lần lên UBND xã làm thủ tục để được hưởng chế độ dành cho người khuyết tật nhưng vẫn chưa được công nhận là người khuyết tật.

Vươn lên trong cuộc sống

Mặc dù có thẻ BHYT hỗ trợ, nhưng điều quan trọng vẫn là ở người bệnh cần phải tự nỗ lực vượt qua bệnh tật để hòa nhập xã hội và trở thành công dân có ích. Phần lớn người bị chấn thương cột sống đang trong độ tuổi lao động, nhiều người còn rất trẻ với bao ước mơ, hoài bão ở phía trước, nhiều người là trụ cột gia đình. Vì thế, sau khi gặp tai nạn rủi ro, họ thường trải qua những tháng ngày buồn chán, mặc cảm, tự thu mình trong 4 bức tường, thậm chí có người còn nghĩ tới cái chết.

Nhưng có những cá nhân đã vượt qua để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Anh Phạm Công Hoàng (quê Phú Thọ) bị tai nạn khi chưa lập gia đình, nhiều lần buồn chán tìm đến cái chết. Thế nhưng, nhờ tình yêu với cô y tá Hà thành, giờ đây anh đã có một gia đình hạnh phúc với 2 con đã học lớp 4 và quản lý một cửa hàng chuyên cung cấp điện thoại cao cấp ở TP.Việt Trì.

Hay như anh Phạm Xuân Thanh bị tai nạn khi đang là SV năm 3 (ĐH Bách Khoa). Sau 27 năm bị chấn thương cột sống, nay anh Thanh đã là giám đốc một DN tại Hà Nội, có vợ và 2 con. Đặc biệt, trong thời gian trên, anh Thanh đã hoàn thành một khóa học tại Mỹ.

Hay như chị Lê Hà bị chấn thương cột sống đã 17 năm. Dù khó khăn bệnh tật nhưng chị Lê Hà đã nỗ lực làm việc để tự chăm lo cho bản thân và nuôi dưỡng cậu con trai 17 tuổi. Chị Hà cho biết, giờ đây chị dành nhiều thời gian tư vấn cho những người chấn thương cột sống, giúp đỡ họ vượt qua số phận, không mặc cảm, tự tin trong cuộc sống.

Các thành viên trong CLB Chấn thương cột sống đều biết đến anh Phạm Thanh Sơn, một hiệp sĩ CNTT, giám đốc một DN phần mềm kế toán, với bao dự án giúp đỡ những người bạn bị chấn thương cột sống như: Tặng đệm chống loét, tặng máy tính để tìm kiếm công việc, hỗ trợ tiền cho các bạn khó khăn đi viện. Và còn rất nhiều những tấm gương khác hàng ngày nỗ lực học tập, làm việc để cuộc sống được tốt hơn.

Việc chăm lo cho cuộc sống- đối với người bình thường- đó cũng là chuyện thường ngày, nhưng với những người bị chấn thương cột sống lại là cả một nỗ lực phi thường. Họ không có công việc ổn định, luôn phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe, họ phải tự vươn lên trong cuộc sống với chế độ dành cho người khuyết tật chỉ từ 500.000 đến 700.000 đồng/tháng.

Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật và đã ký công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật. Vì thế, người khuyết tật nói chung và người bị chấn thương cột sống nói riêng đã được quan tâm hơn trước rất nhiều. Những chính sách về an sinh xã hội đang phát huy tác dụng, hỗ trợ ngày càng hiệu quả, mang nhiều giá trị nhân văn như chính sách phát miễn phí thẻ BHYT cho người khuyết tật, trong đó có những người bị chấn thương cột sống.

Lê Mạnh - Báo bảo hiểm Xã Hội

Video

chấn thương cột sống
tổn thương tủy sống
câu lạc bộ chấn thương cột sống việt nam
anh chan thuong cot song
tuy song
COT SONG