Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam

Anh Cả của những "Chiến Binh Mui Trần"

Vũng Tàu chiều tháng 6, khi hoàng hôn đang dần buông trên bờ biển, bãi cát chạy dài như thẫm lại, tôi điện thoại gặp anh, anh vui vẻ gửi tôi địa chỉ để tôi tới nhà thăm anh.

 
 
Không khó để tìm tới Phường 3, thành phố Vũng Tàu, qua con ngõ nhỏ là tới nhà anh, một ngôi nhà ấm cúng nằm trong con ngõ nhỏ của thành phố biển. Ra đón tôi là anh Giang, một người bạn rất thân thiết với anh Sơn, anh đưa tôi vào nhà. Anh Sơn đã ngồi trên xe lăn để đón tôi, mẹ anh tuy tuổi đã cao nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, bà ra tươi cười chào tôi, tôi không nghĩ năm nay bà đã 88 tuổi.

- “Hôm nay em được đến thăm nhà ông giám đốc kiêm chủ tịch, vinh dự quá đó”- tôi đùa với anh.

- “Trời ơi, em không thấy anh quần sọc, áo thun đón em đây sao, giám đốc với chủ tịch gì mà úi xùi vậy nè trời. Em tới thăm anh là thăm một người anh cũng là một người bạn đồng cảnh thôi à, anh rất vinh dự thì có” anh cười thật tươi. Anh thật giản dị, gần gũi đúng như một người anh đón cô em gái phương xa.

Mẹ anh nói “thằng Sơn nó có bạn đồng cảnh tới là nó vui lắm đó con, cười hoài”

Tôi biết anh Phạm Thanh Sơn cũng 5 năm qua một diễn đàn dành cho những người chấn thương cột sống. Kẻ Nam, người Bắc nên chúng tôi cũng không biết nhau nhiều nhưng nghe bạn bè đồng cảnh khen ngợi và tôn trọng anh lắm. Cho tới khi Câu lạc bộ chấn thương cột sống Việt Nam được thành lập, chúng tôi cùng trong Ban chủ nhiệm, làm việc với nhau nhiều nên tôi hiểu về anh hơn. Chúng tôi gặp nhau tại Hà Nội hai lần nhưng cũng không có thời gian nói chuyện nhiều bởi công việc và lần này nhân dịp đi thăm gia đình tôi ghé thăm anh.

Gặp nhau, chuyện trò một chút anh rủ tôi đi dạo biển, ngắm cảnh hoàng hôn với những con sóng xa tít tắp đang vỗ về bờ cát, hít thở không khí trong lành, mát rượi từ biển thổi vào. Chúng tôi ghé cà phê Hòn Rù Rì, vừa ngắm cảnh, anh vừa kể tôi nghe về thành phố biển, về cuộc đời đầy thăng trầm của anh.

Anh Phạm Thanh Sơn sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Vũng Tàu, học xong cấp 3 anh học Trung cấp Lâm nghiệp Trung ương 4 tại Đồng Nai, năm 1989 ra trường anh làm việc tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Công việc tại đây không níu chân được chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, anh muốn có một công việc khác để phát triển và lập nghiệp. Năm 1990 anh trở về thành phố Hồ Chí Minh học công nghệ thông tin và là một lập trình viên quản lý phòng điện toán viễn thông cho công ty Phát triển kinh tế Côn Đảo (EDC). Công việc ổn định và có thu nhập khá, anh quyết định sẽ gắn bó với nó và sẽ đi học nâng cao hơn nữa để hoàn thiện trình độ của bản thân. Năm 1992 anh vừa làm, vừa học thêm Ngoại thương, những tưởng cuộc đời anh cứ thế thăng tiến và phát triển nhưng chẳng ai ngờ…

NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI

Năm 1994, trong một lần đi thăm quan cùng đồng nghiệp, khi tới tắm hồ nước nóng, nước hồ cạn mà anh đâu có biết, anh cùng bạn bè nhảy xuống tắm, không may cho Sơn, anh bị va vào đá và gãy đốt sống cổ, liệt tứ chi, khi đó anh mới 26 tuổi. Chưa lập gia đình, sự nghiệp đang thăng tiến cùng một tình yêu đẹp, nhưng cú ngã định mệnh ấy đã lấy đi tất cả.

Nghĩ rằng chỉ là không may, rồi sẽ phục hổi. Hai năm đầu bị tai nạn anh cùng gia đình dốc toàn bộ tâm trí cũng như tài chính vào việc chạy chữa và phục hồi chức năng, ai mách ở đâu có thầy thuốc tốt là anh lại tới đó, hy vọng sẽ có một ngày anh đi lại được trên đôi chân mình, lại say sưa với những công thức lập trình và những dự án mới. Hy vọng nhiều lắm nhưng khi đi tái khám, bác sĩ nói anh không còn khả năng phục hồi, và người như anh khó sống được quá 10 năm.

Mặc dù sau tai nạn tinh thần anh đã vững, anh vẫn tràn trề hy vọng, nhưng khi nghe bác sĩ nói vậy anh đã bị sốc rất nặng, tương lai mù mịt, mọi thứ như sụp đổ trước mắt anh. Anh cảm thấy như mình đang trong một đường hầm mà phía cuối đường hầm lại kín bưng không chút ánh sáng, anh đã tìm đến cái chết với 100 viên thuốc ngủ sau nhiều lần tích trữ.

Anh ngừng lại nhấp ngụm cà phê rồi hỏi tôi “Nghe chuyện của anh em có ngán không đó?”

- “Không đâu anh, ai cũng có quá khứ, mà quá khứ của anh em mình khá đặc biệt anh nhi?”

- “Đúng rồi em, nó đặc biệt tới mức mà nghĩ lại sao thấy mình dại dột và ngu ngơ thế” anh nói rồi bật cười, nụ cười của anh thật hiền và đầy bao dung. Con người ấy đã trải qua nhiều đau đớn để bây giờ anh rất thấu hiểu và cảm thông với người cùng cảnh, nhất là các bạn trẻ không may trở thành người khuyết tật. Giọng anh trầm ấm, anh lại từ từ kể cho tôi nghe về cuộc đời anh.

Khi đang mong manh giữa sự sống và cái chết, anh cảm giác như mình sắp hôn mê không còn biết gì nữa thì từ trong tâm thức của anh nhói lên suy nghĩ mình mất đi ba mẹ sẽ sống sao? Hai người già ấy sẽ như thế nào khi không có anh? Cố gắng tỉnh táo, anh cất tiếng gọi má. Tiếng gọi yếu ớt của anh cũng làm má thức giấc bởi từ khi anh bị tai nạn, chưa đêm nào má tròn giấc ngủ say. Má vội kêu xe đưa anh vào viện, bác sĩ tiến hành súc rửa ruột cho anh và anh trở lại với sự sống.

Khi gần kề với cái chết mới thấy sự sống thật quý giá, anh quyết tâm phải sống và làm việc để lo cho chính mình và gia đình, không thể hèn nhát tìm tới cái chết lần nào nữa. Kinh tế gia đình đã kiệt quệ sau nhiều lần chạy chữa cho anh, giờ phải sống, phải làm một cái gì đó cho ba mẹ ở tuổi xế chiều.

THÀNH CÔNG NHỜ NỖ LỰC

Anh tâm sự với má, má hiểu anh và thương anh lắm. Má bán hết mọi thứ có thể, gom được 3 cây vàng để anh mua một bộ máy tính bàn, lúc đó là năm 1997, cuộc sống của anh thay đổi từ đây.

Kệ những đau đớn hàng ngày hiện hữu, đôi chân không đi lại được và đôi tay yếu ớt, cầm nắm đồ vật không chắc vì anh liệt tứ chi, hàng ngày anh học lại tin học theo ngôn ngữ và hệ điều hành mới. Vẫn song song tập phục hồi chức năng, như một đứa trẻ, anh tập cầm thìa xúc đồ ăn, tới giờ vẫn còn ngượng nghịu nhưng với người chấn thương cột sống cổ đó là một sự cố gắng phi thường.

Đam mê tin học đã giúp anh rất nhanh chóng tiếp cận với hệ điều hành mới, anh nắm bắt rất nhanh. Dùng kiến thức mình đã học được đi dạy cho những bạn nhỏ và một số bạn đi làm chưa biết tin học. Đầu tiên là những bạn gần nhà rồi dần dần lượng người theo học anh đông hơn, đó là cách anh lấy ngắn nuôi dài. Đặc biệt những bạn theo học anh không ít bạn là trẻ em nghèo và người khuyết tật. Anh luôn ưu tiên, giúp đỡ các bạn ấy, mong các bạn ấy có công việc ổn định trong tương lai để có thể giúp được mình và gia đình. Bản thân anh là một người bình thường nhưng bỗng dưng thành người khuyết tật nên anh thấu hiểu và đồng cảm.

Ngày anh dạy tin học, tối học thêm nâng cao lập trình ngôn ngữ mới và học thêm kế toán. Năm 1999, thành quả đầu tiên anh đạt được sau tai nạn là anh đã viết lại hoàn thiện phần mềm quản lý kế toán (HTKT.ASA) theo ngôn ngữ lập trình mới, nó cũng là tiền đề cho sự nghiệp của anh sau này với công ty TNHH phần mềm máy tính ASA.

Không ít lần vì mải mê học tập, làm việc, lao lực anh phải nằm viện cả tháng trời nhưng không vì thế mà anh nao núng. Anh đùa tôi “bác sĩ bệnh viện quen mặt anh lắm rồi”.

Nhờ bạn bè, đồng nghiệp, năm 2000, phần mềm HTKT.ASA của anh được đưa ra thị trường và đã đã có doanh thu. Với những thành công ban đầu, năm 2003 anh thành lập cơ sở kinh doanh, kinh tế gia đình dần ổn định. Và cũng năm này, anh được tạp chí Công nghệ thông tin ECHIP trao tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” với thành tích đưa tin học đến với trẻ em nghèo và người khuyết tật.

Là một người khuyết tật làm kinh doanh, anh luôn đau đáu với cộng đồng yếu thế này, muốn làm một cái gì đó cho họ và cho chính anh. Thời điểm đó Vũng Tàu chưa có Hội người khuyết tật, các bạn khuyết tật chưa có một nơi sinh hoạt chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng trong cuộc sống. Năm 2002, anh Phạm Thanh Sơn cùng một người chị khuyết tật khác thành lập Câu lạc bộ người khuyết tật Đại Dương và đến năm 2006, Hội người khuyết tật thành phố Vũng Tàu chính thức được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận, ra quyết định thành lập với đầy đủ tư cách pháp nhân, lúc đó anh là Phó chủ tịch Hội.

Công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, năm 2008, công ty TNHH phần mềm máy tính ASA chính thức được thành lập, hoạt động trong lĩnh vực viết phầm mềm quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, kho, nhân sự tiền lương và kế toán, tư vấn thuế và dịch vụ sổ sách kế toán. Có ai tin được người đứng đầu công ty với rất nhiều nhân viên ưu tú lại là một người ngồi xe lăn? Mọi công việc anh đều thực hiện trên chiếc xe lăn rất nghiêm túc và chỉn chu. Bạn bè, đồng nghiệp và những đối tác rất nể phục anh bởi phong cách làm việc, nghị lực và những điều anh mang lại cho nhân viên, cho cộng đồng người yếu thế ở thành phố biển này.

Năm 2012 ba anh mất, chỗ dựa tinh thần của anh thiếu đi người cha, anh cảm thấy hụt hẫng. Ba anh không phải là người hay thể hiện tình cảm bằng lời nói nhưng anh biết ba luôn đứng phía sau cùng má ủng hộ anh, lo lắng cho anh. Má anh cũng đã già, lúc đó bà đã 80 tuổi, anh càng quyết tâm hơn để làm chỗ dựa cho má lúc tuổi già và cũng để má yên tâm khi không còn ba bên cạnh.

Công việc kinh doanh của anh ngày càng phát triển, nhiều đối tác biết tới anh, không chỉ hợp tác trong công việc mà họ còn đồng hành cùng anh trong những dự án thiện nguyện sau này. Song song với công việc kinh doanh, từ năm 2014 tới nay anh làm chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Vũng Tàu, mang lại nhiều cơ hội học tập, làm việc cho các bạn khuyết tật nơi đây.

Tôi hỏi anh “Những người như anh em mình sức khỏe yếu, đau ốm liên tục, động lực nào khiến anh làm được nhiều việc vậy?”

- “Trời ơi, cô em ơi, cô cũng như bao người khác làm được nhiều việc khác gì anh đâu mà cô em hỏi vậy” anh cười khà khà.

- “Nói chứ, làm kinh tế vì ban đầu anh nghĩ mình phải làm vì bản thân mình, vì gia đình rồi đam mê nghề nghiệp còn với các bạn khuyết tật anh thật sự thương và đồng cảm với họ em à, mình cho đi rồi mình sẽ nhận lại được nhiều hơn thế, tin anh đi. Hơn 26 năm ngồi xe lăn, anh thấm lắm em à”

Cuối năm 2017, Câu lạc bộ chấn thương cột sống Việt Nam được thành lập, đồng hành cùng anh trong công việc của câu lạc bộ tôi hiểu anh nhiều hơn. Anh luôn là người “cho đi” rất nhiều, tôi hiểu vì sao anh được anh chị em trong câu lạc bộ tôn trọng, ngưỡng mộ. Chúng tôi gọi anh là Anh Cả, không phải vÌ anh nhiều tuổi nhất mà vì tấm lòng bao dung, sự giúp đỡ của anh với mọi người.

Bận bịu công việc là thế, anh vẫn luôn đưa ra và thực hiện những dự án thiện nguyện giúp đỡ các bạn chấn thương cột sống. Hàng nghìn tấm đệm ngồi được trao đi miễn phí, hàng trăm laptop, loa kéo giúp các bạn khuyết tật làm việc được trao tới tay người cần, nhiều dự án học nghề hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nằm viện được anh kết nối. Tất cả những việc anh làm anh nói không cần phải ghi nhận hay tuyên dương, chỉ cần giúp được các bạn đồng cảnh là anh vui rồi. Nếu có dịp đi tới đâu anh đều tìm đến những bạn đồng cảnh sinh sống tại đó để gặp gỡ, thăm hỏi để hiểu về hoàn cảnh của họ hơn. Anh chị em trong câu lạc bộ từ Bắc chí Nam đều tôn trọng và biết ơn người Anh Cả của câu lạc bộ, nhắc tới anh ai cũng kính trọng.

- “Anh Sơn này, em viết bài về anh nhé?” tôi ngỏ lời xin phép anh

- “Có bao gương tốt sao em không viết, viết về anh làm chi?”

- “Em đâu phải nhà báo, em viết về phương nam, viết về người Anh Cả của tụi em ở thành phố biển Vũng Tàu này. Em muốn mọi người biết về anh, người luôn giúp đỡ tụi em và là người tụi em ngưỡng mộ”

- “Chịu em luôn đó, em ăn hiếp anh hoài” anh lại cười khà khà

- “Nhiều đài, báo viết về anh mà anh không có đọc nhưng em hiểu anh, em viết là anh sẽ đọc đó nghe”

Chúng tôi cùng cười vui vẻ, gió biển thổi vào mang hơi nước mằn mặn, mát rượi. Tạm biệt anh, tạm biệt thành phố biển mộng mơ tôi trở về Hà Nội.

Chúng tôi hàng ngày vẫn trao đổi công việc với nhau trên mạng xã hội, thỉnh thoảng anh lại phát trực tiếp những khi hát karaoke vào câu lạc bộ, anh nói, vừa luyện hơi thở, vừa thư giãn cùng các bạn đồng cảnh, chúng ta vất vả, khó khăn và mệt nhiều rồi. Có khi là những câu chuyện vui hay tâm sự chuyện tình của ai đó mà anh chắp bút, giản dị, tình cảm. Anh muốn mang lại không khí vui vẻ, thư giãn cho những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Anh là thế, với chúng tôi, những “chiến binh mui trần”- những người khuyết tật ngồi xe lăn, chưa bao giờ anh câu nệ, nề hà việc giúp đỡ nào, luôn chân tình, đầy lòng bao dung. Ở anh là sự gần gũi, thấu hiểu của một người anh, một người đồng cảnh. Anh nói anh không thích gọi anh là Giám đốc hay Chủ tịch hãy gọi anh là Anh Cả nhé.

- Lê Hà -

Video

chấn thương cột sống
tổn thương tủy sống
câu lạc bộ chấn thương cột sống việt nam
anh chan thuong cot song
tuy song
COT SONG