Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam

Cuộc đời Hector Berlioz

Cuộc đời nhà soạn nhạc cực kỳ Lãng mạn Hector Berlioz có tất cả những gì bạn mong đợi – hỗn loạn, đắm say, ngây ngất rồi hóa ra u sầu, lập dị, quá quắt, tự mãn. Ảnh hưởng của ông lên âm thanh dàn nhạc hiện đại rất sâu sắc; ông truyền bá lý tưởng về âm nhạc chương trình (âm nhạc mô tả các tác phẩm văn chương hay nghệ thuật). Đó là một cuộc đời phi thường và bản miêu tả hay nhất về cuộc đời ấy là do chính ông chấp bút – cuốn tự truyện  được cho là hay nhất của một nhà soạn nhạc. Cha của Berlioz là một bác sĩ nông thôn hành nghề gần Grenoble, người đủ khả năng âm nhạc để dạy con trai mình những bài học vỡ lòng về flute, mặc dù kiên quyết phản đối việc coi âm nhạc là một nghề nghiệp. (Sau đó Berlioz theo học guitar nhưng điều bất thường đối với một nhà soạn nhạc là ông chưa bao giờ thành thạo bất kỳ nhạc cụ nào.)

 
 
Theo yêu cầu của cha, Berlioz vào trường y ở Paris năm 1821 để trở thành bác sĩ, theo học các bài học âm nhạc riêng với Jean François Le Sueur. Năm 1824, Berlioz bỏ học y khoa để cống hiến hết mình cho âm nhạc, và ở tuổi 22 ghi danh học tại Nhạc viện Paris, nơi Le Sueur dạy sáng tác còn Antonín Reicha dạy đối âm và phức điệu.

Vào tháng 9 năm 1827 chàng nhạc sĩ trẻ Hector Berlioz say mê một nữ diễn viên người Ai-len tên là Harriet Smithson sau khi xem nàng sắm vai Ophelia trong một dàn dựng vở Hamlet ở Paris. Berlioz không biết tiếng Anh (Miss Smithson không biết tiếng Pháp) và những cố gắng liên lạc với nàng không thành công; chàng tấn công nàng tới tấp bằng những bức thư tình khiến nàng thoạt đầu hoảng hốt và sau đó là kinh hãi; chàng đã tổ chức một buổi hòa nhạc gồm các tác phẩm của mình để gây ấn tượng với nàng; chàng thuê phòng gần nàng – tất cả đều vô ích. Thay vào đó, Berlioz chuyển tình cảm của mình sang một nghệ sĩ dương cầm trẻ tuổi, Camille Moke, người đã trở thành một Harriet thế thân. 
 
Trong ba năm tiếp theo, Berlioz đã tiếp tục soạn một bản giao hưởng, một cuốn tự truyện bằng âm nhạc, một bức thư tình khổng lồ gửi đến đối tượng thực sự trong tình cảm của mình, thứ hóa ra lại là kiệt tác lâu bền nhất của mình, Giao hưởng Ảo tưởng. Tác phẩm được công diễn lần đầu tại Nhạc viện Paris vào tháng 12 năm 1830, thời điểm Berlioz sắp sửa phải rời Paris đầy đam mê của mình. Tác phẩm đã được đánh giá cao, mặc dù Miss Smithson không có mặt tại sự kiện này. Berlioz viết: “Than ôi, sau này tôi biết được rằng, đắm chìm trong sự nghiệp rực rỡ của chính mình, nàng thậm chí còn chưa bao giờ nghe nhắc đến tên tôi, những nỗ lực của tôi, buổi hòa nhạc hay thành công của tôi!” Nhà phê bình sắc sảo Robert Schumann đã viết về Berlioz nhạc sĩ cũng như Berlioz con người: “Berlioz không cố tỏ ra dễ chịu và lịch lãm; những gì ông ghét ông sẽ túm tóc giật đầu, những gì ông yêu quý, ông gần như nghiền nát bằng lòng nhiệt thành của mình.”

Giành được Giải thưởng Rome, được trao tặng từ năm 1803 bởi Học viện Mỹ thuật Pháp, là sự tuyên dương tối thượng với một sinh viên âm nhạc.Người đoạt giải được trao tặng một học bổng cho phép họ sống tại Villa Medici ở Rome trong bốn năm. Berlioz bị loại ở lần tham dự đầu tiên vào năm 1827. Ông đoạt giải nhì ở lần dự thi thứ hai vào năm 1828. Ông lại cố gắng vào năm 1829 nhưng năm đó không có giải thưởng nào được trao. Cuối cùng ở lần nỗ lực thứ tư, ông đã giành được giải thưởng với bản cantata Sardanapale, mặc dù tác phẩm được trình diễn kém đến mức Berlioz giận dữ ném bản tổng phổ về phía các nghệ sĩ.

Theo đúng lịch trình, ông lên đường đến Ý vào năm 1830. Việc đó tỏ ra là một thảm họa. Không phải là người sẵn lòng chấp nhận các quy tắc âm nhạc bắt buộc, Berlioz cũng không thích đồ ăn và âm nhạc Ý. Khi có tin đồn rằng Camille đã có nhân tình, ông nổi cơn thịnh nộ và bỏ Rome về Paris, cải trang thành một cô hầu gái với ý định giết cả Camille lẫn nhân tình của cô. Tuy nhiên, ở Genoa, ông đánh mất đồ cải trang và việc chờ đợi đồ thay thế cho ông thời gian để hạ hỏa. Ông ngoan ngoãn trở lại Rome.

Trở về Paris năm 1832 và phát hiện ra Harriet lại đang ở cùng thành phố, ông sắp xếp một buổi biểu diễn thứ hai bản Giao hưởng Ảo tưởng dành cho nàng. Lần này, nữ diễn viên đang mất phương hướng đến nghe và bị chinh phục. Sau thời gian tìm hiểu chóng vánh, Berlioz và Harriet Smithson kết hôn vào tháng 10 năm 1833. “Chúng ta hi vọng rằng”, tạp chí Court Journal hẹp hòi viết, “cuộc hôn nhân này sẽ bảo đảm hạnh phúc cho một phụ nữ trẻ đáng yêu, cũng như đảm bảo cho chúng ta khỏi phải thấy cô tái xuất trên các sân khấu nước Anh.” Đúng như dự đoán, cuộc hôn nhân đã không thành công và sau một vài năm đầy biến động trong cảnh thiếu thốn, họ quyết định li thân. Berlioz thân thiết với một ca sĩ hạng hai tên là Marie Recio nhưng ông không bao giờ hoàn toàn quên Harriet và về cuối đời khi bà trở thành người tàn phế, Berlioz đã rất quan tâm lo lắng và tế nhị với tình trạng khó khăn của bà. Bà qua đời vào tháng 3 năm 1853. Một năm sau, Berlioz kết hôn với Marie, một mối quan hệ chắc chắn là không thành công hơn mà ở đó ông lại sống lâu hơn vợ.

Cũng chính buổi hòa nhạc đưa Harriet và Berlioz đến với nhau đã mang lại một nhà hảo tâm quan trọng cho nhà soạn nhạc nghèo khó. Niccolò Paganini, khi đó đang ở đỉnh cao danh vọng, đã đặt viết một tác phẩm cho cây viola mới mua của mình. Thành quả là Harold ở Ý lấy cảm hứng từ truyện thơ Childe Harold của Byron. Nhưng trong khi Paganini hy vọng về một phương tiện biểu lộ điêu luyện cho sự kết hợp bất thường này, Berlioz lại viết một bản giao hưởng với bè viola solo bắt buộc – tác phẩm sẽ không tạo ra hiệu ứng mà Paganini cần và ông chưa bao giờ chơi nó. Trong suốt hai thập niên sau đó, Berlioz cần cù sáng tác, gây tranh cãi (vì xét cho cùng, ông là người tiên phong trong thời đại của mình) và ngày càng thành công. Các đơn đặt hàng đến từ chính phủ, ông trở thành nhà phê bình âm nhạc (từ năm 1833 đến năm 1863, ông viết cho tạp chí có ảnh hưởng Journal des Débats) và bắt đầu sự nghiệp nhạc trưởng. 
 
Truyền thuyết kể rằng vào năm 1838 Paganini lại xuất hiện trong cuộc đời Berlioz: sau buổi biểu diễn Harold ở Ý vào ngày 16 tháng 12, nghệ sĩ vĩ cầm vĩ đại xuất hiện trên sân khấu và quỳ gối tỏ lòng tôn kính vì choáng ngợp khi lần đầu tiên được nghe tác phẩm mình đặt viết song đã từ chối chơi. Ngày hôm sau, ông gửi một bức điện cho Berlioz: “Beethoven đã mất và chỉ Berlioz mới có thể làm ông sống lại.” Cùng với đó là một tấm séc trị giá 20.000 franc.


Số tiền đã cho phép Berlioz viết tác phẩm đầy tham vọng mà ông hằng mơ ước – bản giao hưởng kịch tính Romeo và Juliet, trong đó ông muốn hồi tưởng lại những cảm xúc yêu đương thuở mới gặp Harriet Smithson. Tác phẩm được công diễn lần đầu vào tháng 11 năm sau và trong đám khán giả có một nhà soạn nhạc trẻ vô danh tên là Richard Wagner. Tác phẩm đã cuốn lấy anh như một cơn bão và “thổi bùng trong tôi ngọn lửa cảm xúc đối với âm nhạc và thi ca”.

Với một đơn đặt hàng khác từ chính phủ về một tác phẩm quy mô lớn (Giao hưởng lớn Tang lễ và Chiến thắng ), Berlioz bước vào một thời kỳ đồ sộ và hoành tráng vượt trội về lối viết cho dàn nhạc. Những lực lượng lớn mà ông sử dụng để chơi các tác phẩm của mình (và các tác phẩm của những nhà soạn nhạc khác) chưa từng được tập hợp trước đó. Sự thái quá như vậy khiến ông liên tiếp phải hứng chịu sự chế nhạo từ các nhà phê bình hoài nghi cũng như các cây bút biếm họa. Người ta nói rằng ông đã chỉ huy Giao hưởng lớn Tang lễ và Chiến thắng bằng một thanh gươm đã tuốt ra khỏi vỏ trong khi diễu hành qua các đường phố Paris; năm 1844 ông chỉ huy một buổi hòa nhạc bao gồm Giao hưởng số 5 của Beethoven với 36 contrebasse, ouverture vở Nhà thiện xạ của Weber với 24 kèn horn và “Lời cầu nguyện của Moïse” (từ vở opera của Rossini) với 25 đàn harp – tổng cộng 1022 nghệ sĩ biểu diễn. Kỉ lục này đã bị vượt qua vào năm 1855 bởi một dàn nhạc, một ban quân nhạc và dàn hợp xướng 1200 người cho cantata mang tính kỷ niệm L’Impériale của ông.

Các chuyến lưu diễn ở Anh và Nga diễn ra sau đó, một liên hoan âm nhạc Berlioz tại Weimar (do Liszt luôn hào phóng dàn dựng) đã được tổ chức vào năm 1852 với các tác phẩm opera và sân khấu do ông sáng tác – điều này giống như chân dung của một nhà soạn nhạc thành công, được ngưỡng mộ. Thế nhưng Berlioz không có nhóm người ủng hộ sùng bái, không giống như Wagner và Liszt; ông không viết tác phẩm solo nào để nhờ đó tên tuổi có thể xuất hiện thường xuyên trong các chương trình hòa nhạc; ông đã gặp khó khăn rất lớn để có thể chứng kiến các vở opera và các tác phẩm sân khấu của mình được dàn dựng thường xuyên. Những năm cuối đời Berlioz thật khốn khổ: ông tin rằng mình đã thất bại với tư cách nhà soạn nhạc và nhạc trưởng ở chính đất nước mình; ông biết những ngày làm việc hiệu quả nhất của mình đã qua – một sự thật khiến ông vô cùng chán nản; sức khỏe của ông bắt đầu suy yếu và cuộc hôn nhân của ông không hạnh phúc. Cái chết của đứa con duy nhất (đứa con trai từ cuộc hôn nhân với Harriet Smithson) vì bệnh sốt vàng da ở Havana đã giáng một đòn cuối cùng.

Trong đoàn người đưa thi hài Berlioz đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Montmartre có Gounod, Ambroise Thomas và các nhạc sĩ người Pháp nổi tiếng khác. Nhạc hiếu là hành khúc tang lễ từ bản Giao hưởng lớn Tang lễ và Chiến thắng của chính ông.

                                                                                                                                       James Jolly

                                                                                                                               Nguyễn Tuấn Anh dịch

 Nguồn: gramophone.co.uk




Video

chấn thương cột sống
tổn thương tủy sống
câu lạc bộ chấn thương cột sống việt nam
anh chan thuong cot song
tuy song
COT SONG